Những giải pháp mới cho nguyên liệu cát xây dựng
Đặc biệt, so với máy nhập, máy của Tân Đại Lợi có những ưu điểm như dễ vận hành, dễ thay thế và sửa chữa do được thiết kế phù hợp với điều kiện kỹ thuật của Việt Nam.
Giữa lúc nguyên liệu cát xây dựng tại VIệt Nam đang ngày một khan hiếm, Công ty Thương mại và Sản xuất Tân Đại Lợi (TP.HCM) đã cho ra đời máy Titan D-160 có thể sản xuất cát từ đá. Với công nghệ tiếp nhận từ Nga, chất lượng tốt, giá bán lại rẻ hơn 40% so với loại máy tương tự trên thế giới, Titan D-160 được xem là giải pháp tối ưu cho nhu cầu cát xây dựng hiện nay.
Nhu cầu lớn
Tháng 11/2008, Tiến sĩ Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam, đã đưa ra nhận định tổng quan về sự phát triển của ngành công nghiệp vật liệu xây dựng cũng như dự báo nhu cầu phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2020. Đối với nguyên liệu cát, ông Huynh cho biết năm 2010 nhu cầu tại Việt Nam là 97 triệu m3 và sẽ tăng lên 136 triệu m3 vào năm 2015.
Trong một hội thảo khoa học do Viện Cơ học Ứng dụng TP.HCM tổ chức, năm 2005, các nhà khoa học cũng đưa ra dự báo đến năm 2010, Việt Nam sẽ thiếu cát xây dựng vì chỉ riêng lượng cát tương ứng với lượng xi măng lúc đó đã rất lớn. Trung bình, cứ 1 tấn xi măng cần 2 tấn cát. Dự kiến, đến năm 2012, sản lượng xi măng là 65 triệu tấn. Như vậy lượng cát cần thiết sẽ là 130 triệu tấn.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, mực nước biển dâng cao khiến nhà cửa tại các vùng ven biển phải tôn cao. Thêm vào đó, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa không ngừng diễn ra. Nhu cầu về cát, đất, đá trong xây dựng vì thế sẽ ngày một lớn.
Trong khi đó, sản lượng cát tự nhiên đang cạn kiệt. Nguyên nhân chính là việc xây dựng các công trình thủy điện đã ngăn bớt dòng cát. Việc khai thác bừa bãi tại nhiều địa bàn, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, cũng đã làm cho lượng cát sụt giảm nghiêm trọng. Thêm vào đó, do Campuchia, thị trường chính cung cấp cát cho Việt Nam, ngừng xuất khẩu cát khiến cho nguồn nguyên liệu này thêm khan hiếm.
Trong lúc nguồn cát tự nhiên khan hiếm thì việc sử dụng cát nhân tạo trở thành giải pháp tối ưu. Ngay từ năm 2005, Việt Nam đã sử dụng máy nghiền đá thành cát để cung cấp cho các công trình xây dựng như thủy điện Sơn La, Đồng Nai 1, Đồng Nai 2, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4.
Tuy nhiên, tất cả các máy nghiền này phải nhập từ Nga, Trung Quốc hoặc một số nước châu Âu với giá từ 280.000-500.000 USD/máy (tương đương 6-11 tỉ đồng/máy). Nhu cầu thì cấp thiết nhưng giá máy lại quá cao nên nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện nhập về. Do đó, họ phải tiếp tục sử dụng cát tự nhiên với giá cao, chất lượng không đảm bảo, gây ảnh hưởng tới chất lượng công trình xây dựng.
Hiện nay, giá cát tự nhiên khoảng 250.000 đồng/khối, chất lượng ít được kiểm nghiệm. Theo tiêu chuẩn 1770:1986 của Việt Nam, cát xây dựng phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt về độ lớn của hạt, hàm lượng bùn, bụi, sét có trong cát. Tại các nước khác, cát sau khi khai thác phải được nhà máy xử lý, làm sạch rồi mới đem đi xây dựng.
Ông Bùi Văn Luân, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Xây dựng Đại Long (TP.HCM), cho biết, đối với các công trình lớn, chủ đầu tư yêu cầu cát nguyên liệu phải đảm bảo chất lượng nên không thể sử dụng cát tự nhiên. Ông đã phải nhập máy nghiền từ Trung Quốc về, dù giá đến 500.000 USD/máy.
Và phương án đáp ứng
Việt Nam có rất nhiều mỏ đá, về nguyên tắc, tất cả các loại đá đều có thể nghiền thành cát (trừ đá vôi vì độ cứng kém), trong đó đá granit là nguyên liệu tốt nhất vì có nhiều silic. Việc nghiền cát từ đá với số lượng lớn phục vụ cho xây dựng là điều hoàn toàn có thể.
Trước nhu cầu tiêu thụ cát ngày càng cao, năm 2007, Công ty Tân Đại Lợi đã cử các kỹ sư sang Nga học hỏi công nghệ sản xuất. Đến giữa năm 2010, Tân Đại Lợi đã chế tạo thành công chiếc máy nghiền cát từ nguyên liệu đá mang nhãn hiệu Việt Nam. ông Nguyễn Quang Chánh, Giám đốc Công ty Tân Đại Lợi, cho biết, chiếc máy này có giá khoảng 170.000 USD/máy, trong khi máy nhập từ Nga về có giá 280.000 USD/máy.
Máy Titan D-160 của Tân Đại Lợi có thể xử lý đá nguyên liệu với công suất 250 tấn/giờ, vận tốc va đập 56-100 m/s. Máy sử dụng động cơ điện 250 kW, mức tiêu thụ điện khoảng 4 kWh/tấn sản phẩm. Máy Titan D-160 cho sản phẩm sau nghiền lên tới 50% cát (0-5 mm) theo tỉ lệ nguyên liệu đầu vào, tương đương 70-90 tấn cát/h. Ông Chánh cũng cho biết, để chất lượng sản phẩm không thua kém máy móc nước ngoài, đồng thời hạn chế rủi ro do trình độ gia công cơ khí, luyện kim ở Việt Nam còn yếu, Công ty Tân Đại Lợi đã quyết định mua 3 chi tiết máy của Nga là cánh gia tốc, gối đỡ không khí và mô tơ điện (chiếm 9% chi phí sản xuất máy).
Đặc biệt, so với máy nhập, máy của Tân Đại Lợi có những ưu điểm như dễ vận hành, dễ thay thế và sửa chữa do được thiết kế phù hợp với điều kiện kỹ thuật của Việt Nam. Đội ngũ kỹ sư của Công ty đã nghiên cứu đưa ra những cải tiến như chế thêm thiết bị cấp mỡ vào vòng bi, thay đổi kết cấu thân vỏ máy cho phù hợp, gia cố thêm thép chống mài mòn để nâng cao tuổi thọ cho máy.
Công ty đang có kế hoạch chế tạo 5-7 máy để đưa ra thị trường trong năm 2010. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận việc thương mại hóa loại máy này không dễ. Để làm được điều đó, theo ông Chánh cần 4 điều kiện. Đó là việc chế tạo trong nước phải ổn định, có đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, có xưởng với đầy đủ trang thiết bị để cân chỉnh, bảo hành cho khách hàng, đặc biệt là cần số vốn tối thiểu 15-20 tỉ đồng cho phần nhập khẩu các chi tiết từ Nga và đầu tư thiết bị ban đầu.
Mặc dù có nhiều ưu điểm hơn cát tự nhiên do thành phần hạt đồng đều, không lẫn tạp chất, giá lại rẻ nhưng cát nhân tạo chưa được nhiều chủ đầu tư lựa chọn do chưa bị bắt buộc sử dụng cát nhân tạo trong công trình xây dựng. Hơn nữa việc khai thác cát tự nhiên lại hết sức dễ dàng, quy định cấm chưa được quán triệt nên chủ đầu tư vẫn sử dụng cát tự nhiên để không phải đầu tư thiết bị.
Như vậy, để máy nghiền đá thành cát được sử dụng phổ biến thì cần phải có chính sách khuyến khích sử dụng cát nhân tạo trong các công trình xây dựng, đồng thời nghiêm cấm triệt để hoạt động khai thác cát trái phép, ông Chánh nhận xét.
Leave a Reply