Quy định sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng
Các sản phẩm vật liệu không nung trên phải phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.
Đối với các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ nay đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây).
Quy định trên được nêu trong Thông tư số 09/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng.
Kể từ ngày 15/1/2013 – ngày Thông tư 09/2012/TT-BXD có hiệu lực thi hành, các công trình xây dựng đầu tư bằng vốn Nhà nước tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung.
Cũng từ ngày 15/1/2013, các công trình xây dựng đầu tư bằng vốn Nhà nước tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung. Sau năm 2015, tỷ lệ này được nâng lên là phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung.
Thông tư quy định việc khuyến khích sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng không phân biệt nguồn vốn, không phân biệt khu vực đô thị, không phân biệt số tầng.
Theo Bộ Xây dựng, các công trình đã được cấp phép xây dựng hoặc được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án trước ngày 15/1/2013 (ngày Thông tư này có hiệu lực) thì thực hiện như giấy phép đã được cấp hoặc quyết định đã được phê duyệt; tuy nhiên khuyến khích chủ đầu tư thay đổi thiết kế để sử dụng vật liệu không nung.
Vật liệu xây không nung bao gồm:
– Gạch xi măng – cốt liệu;
– Vật liệu nhẹ (gạch từ bê tông khí chưng áp, gạch từ bê tông khí không chưng áp, gạch từ bê tông bọt, tấm Panel từ bê tông khí chưng áp);
– Tấm tường thạch cao, tấm 3D;
– Gạch khác (đá chẻ, gạch đá ong, vật liệu xây không nung từ đất đồi và phế thải xây dựng, phế thải công nghiệp, gạch silicát…).
Các sản phẩm vật liệu không nung trên phải phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.
Tại cuộc họp liên quan đến vấn đề này diễn ra tháng 12/2011, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã cho biết, mỗi năm việc sử dụng gạch đất sét nung làm mất đi một diện tích đất canh tác nông nghiệp của 1 xã.
Việc khuyến khích, phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung được khuyến khích, phát triển sản xuất và sử dụng để thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường. Đồng thời, cũng giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.
Tính đến tháng 12/2011, với sản lượng 4,2 tỷ viên, vật liệu xây không nung đã tiết kiệm được 6,15 triệu m3 đất sét, 615.000 tấn than và giảm thải vào khí quyển 2,4 triệu tấn CO2.
Leave a Reply